Lượt xem: 1785

Tăng cường công tác quản lý các mô hình gây nuôi động vật rừng

Thời gian qua, hoạt động gây nuôi động vật rừng đã góp phần mang lại công ăn, việc làm, tạo nguồn thu nhập cho một số hộ dân. Việc gây nuôi sinh sản, sinh trưởng các loài động rừng đã xuất phát từ khá lâu và đang phát triển mạnh trong những năm gần đây, tập trung chủ yếu với các loài phổ biến vì mục đích thương mại như: Cá sấu, trăn, rắn, ba ba, cầy vòi hương, nhím, chim trĩ, heo rừng… Cùng với việc khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các cơ sở gây nuôi động vật rừng trên địa bàn tỉnh phát triển thì công tác quản lý hoạt động này luôn được Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sóc Trăng đặc biệt quan tâm nhằm phát huy hiệu quả kinh tế, đồng thời tránh phát sinh hệ lụy trong quá trình nuôi.

    Sản xuất nông nghiệp giữ vai trò chính trong phát triển kinh tế của tỉnh Sóc Trăng, tập trung vào các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt, việc gây nuôi động vật rừng cũng góp phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế cho bà con  tỉnh nhà. Hiện toàn tỉnh có 149 cơ sở gây nuôi động rừng nguy cấp, quý hiếm và động vật rừng thông thường. Cụ thể có 52 cơ sở gây nuôi loài cá sấu nước ngọt thuộc nhóm IB Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm, với tổng số 24.579 cá thể; 77 cơ sở gây nuôi các loài thuộc nhóm IIB, Phụ lục II, III Cites, với hơn 8.200 cá thể, gồm các loài như: Cầy vòi hương, cua đinh, nai, trăn đất, trăn gấm, công Ấn Độ, ba ba gai, cầy vòi mốc, rắn ráo trâu, rắn hổ mang, khỉ đuôi dài, rùa ba gờ... Trong đó, cơ sở gây nuôi cầy vòi hương chiếm đa số với 52 cơ sở, 345 cá thể; 20 cơ sở gây nuôi các loài động vật hoang dã thông thường với hơn 9.900 cá thể, gồm các loài: Nhím, dúi mốc, ba ba trơn, heo rừng, chim trĩ đỏ, hươu sao,...


Cầy vòi hương

 

    Trước tình trạng nhiều loài động vật rừng bị suy giảm nghiêm trọng do môi trường sống bị thu hẹp; nạn săn bắt, buôn bán trái phép và nhu cầu sử dụng ngày càng cao, thì việc gây nuôi sinh sản, sinh trưởng các loài động vật rừng là một trong các hướng giải pháp cần được quan tâm và khuyến khích, nhằm gắn mục tiêu phát triển kinh tế với chiến lược bảo tồn đối với đối tượng này. Nếu như kết hợp tốt giữa gây nuôi gắn với bảo tồn thì không những không làm suy giảm số lượng các loài mà còn tạo điều kiện cho chúng phát triển, sinh sôi để phục hồi số lượng ngoài tự nhiên. Xác định việc thực hiện gây nuôi động vật rừng cũng góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, giúp các hộ phát triển kinh tế, hằng năm, Chi cục Kiểm lâm chỉ đạo các bộ phận, phòng, đội, hạt kiểm lâm các huyện, thực hiện tốt công tác quản lý gây nuôi động vật rừng, tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện trình tự, thủ tục đăng ký mã số cơ sở gây nuôi và hướng dẫn mở sổ theo dõi nhập xuất theo quy định. Theo đó, từ tháng 9/2019 đến nay, chi cục đã cấp mã số cho 77 cơ sở nuôi động vật rừng nguy cấp, quý hiếm. Việc cấp mã số được đảm bảo theo đúng quy định, trình tự, thủ tục pháp luật. Các chủ cơ sở chấp hành nghiêm quy định về nguồn gốc, điều kiện chuồng trại và chăn nuôi an toàn. Nhờ triển khai nhiều giải pháp trong công tác quản lý nên từ đầu năm 2019 đến nay, tình hình nuôi nhốt động vật rừng, động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh được kiểm soát chặt chẽ. Đa số tổ chức, cá nhân chăn nuôi đã tự giác lập hồ sơ đăng ký nuôi nhốt và cấp mã số theo quy định, chấp hành tốt các quy định về nuôi nhốt, không có cơ sở vi phạm. Đồng chí Nguyễn Thanh Quang - Phó trưởng Phòng Thanh tra pháp chế, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Hằng năm, Chi cục xây dựng kế hoạch kiểm tra các cơ sở theo từng quý hoặc tiến hành kiểm tra đột xuất. Nội dung kiểm tra gồm: Điều kiện chuồng trại, tình trạng an toàn cho người dân, vật nuôi; công tác vệ sinh môi trường; ngăn ngừa dịch bệnh; kiểm tra việc ghi chép sổ xuất/nhập động vật rừng. Từ đầu năm 2020 đến nay, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã tổ chức được 78 cuộc kiểm tra. Đồng thời, đơn vị cũng tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định mới, những điểm mới của Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/1/2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp đến các cơ sở gây nuôi”.

    Gia đình có nhiều diện tích đất, nhưng lại thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực trồng trọt; cuối năm 2015, được sự giới thiệu từ một người bạn, anh Trần Minh Luân ở khóm 9, phường 3, thành phố Sóc Trăng quyết định chọn cầy vòi hương là vật nuôi chính để phát triển kinh tế gia đình. Số vốn 100 triệu đồng được anh đầu tư xây dựng chuồng trại rồi tìm mua 02 cặp con giống về để nuôi nhân đàn. Trung bình mỗi năm cầy vòi hương có thể đẻ từ 5 - 6 con, tính đến nay trại cầy vòi hương của anh Luân đã phát triển với số lượng gần 40 con. Theo anh Luân, cầy vòi hương là loài vật dễ nuôi và ít xảy ra dịch bệnh; thức ăn chính của loài vật này chủ yếu là chuối chín và đầu vịt; thông thường cầy đạt trọng lượng từ 3 kg trở lên là có thể xuất bán với giá là 1 triệu 800 nghìn đồng/1kg. Với lợi thế phù hợp với môi trường nuôi nhốt, chi phí đầu tư thấp, giá bán cao... anh Luân đang xây dựng thêm chuồng trại để mở rộng quy mô sản xuất để có thể tăng thêm thu nhập cho gia đình. Nhờ được tuyên truyền thường xuyên nên bên cạnh việc thực hiện khai báo khi nuôi, công tác quản lý dịch bệnh trên đàn vật nuôi cũng được anh Luân thực hiện đúng theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn. Anh Luân tâm sự : “Khi quyết định nuôi cầy vòi hương, tôi đến Hạt Kiểm lâm để đăng ký, cán bộ ở đó cấp cho sổ theo dõi hàng tháng, rồi lúc xây dựng chuồng cũng kiên cố, thông thoáng theo đúng sự chỉ dẫn của Hạt Kiểm lâm. Mỗi tuần, thực hiện quét dọn chuồng và tắm cho cầy vòi hương từ 02 đến 03 lần để đảm bảo vệ sinh môi trường”.

    Gắn bó lâu năm với nghề vận chuyển động vật hoang dã cho một số cơ sở thuộc các tỉnh thành lân cận. Ít ai ngờ, giờ đây anh Phan Thanh Bình ở ấp Mỹ Lợi C, xã Mỹ Tú đã trở thành chủ trang trại rắn hổ mang có tiếng trên địa bàn huyện Mỹ Tú. Với xuất phát điểm chỉ đơn thuần là sự thích thú đối với loài vật hoang dã, vậy mà từ 70 con rắn giống ban đầu vào năm 2015, đến nay anh Bình đã phát triển được trại nuôi với hơn 800 con rắn hổ mang bố mẹ và gần 14.000 con rắn giống. Thông thường, sau 15 tháng nuôi, khi rắn đạt trọng lượng từ 2 đến 3 kg sẽ được gia đình anh xuất bán với giá từ 750 đến 800 nghìn đồng/1kg. Nhờ thực hiện nuôi xoay vòng nên trung bình cứ từ 1 đến 2 tháng, cơ sở anh đều có thể xuất bán từ 200 đến 300 kg rắn thương phẩm. Ngoài nuôi rắn thịt, anh Bình còn tiến hành nuôi rắn sinh sản để cung cấp con giống cho các hộ có nhu cầu. Hiện nay, trung bình mỗi con rắn giống có giá bán là 100 nghìn đồng. Nhờ sản xuất cả rắn thịt và rắn giống mà trung bình mỗi năm gia đình thu về lợi nhuận trên 400 triệu đồng. Ý thức rõ rắn hổ mang là loài vật khá nguy hiểm nên tuân thủ đúng quy định của Chi cục Kiểm lâm, mọi giấy tờ, thủ tục đăng ký nuôi đều được anh Bình thực hiện đầy đủ. Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn cho bản thân cũng như mọi người xung quanh theo khuyến cáo của Nhà nước đối với việc gây nuôi động vật hoang dã, các khu nuôi được anh xây dựng biệt lập với nhà ở của gia đình cũng như các hộ lân cận. Mỗi khu đều được xây dựng bằng đá, có cửa khóa chắc chắn, các hộc rắn cũng được che chắn kỹ bằng lưới sắt mắt nhỏ, đảm bảo không để rắn thoát ra môi trường bên ngoài. Anh Bình cho biết thêm: “Lúc đầu định nuôi kiểng chơi cho vui thôi, rồi thấy nó mau lớn nên mới quyết định phát triển luôn thành nghề. Nuôi rắn này từ nhỏ đến khi nó lớn thì trung bình mỗi con lời khoảng 1 triệu đồng. Hiện nay mình nhân đàn lên số lượng cũng nhiều nên thường xuyên kiểm tra kỹ lưỡng các mắt lưới tại trại, khoảng 2 đến 3 năm thực hiện thay lưới mới một lần để đảm bảo an toàn.  Khi tiến hành mua bán, vận chuyển mình cũng xin giấy phép đàng hoàng”.


Nhân viên Chi cục Kiểm lâm kiểm tra điều kiện gây, nuôi tại trại nuôi cầy vòi hương.

 

    Nhìn chung, việc gây nuôi động vật rừng nằm trong danh mục cho phép xuất phát từ ý thức của người dân, nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình, mặt khác góp phần giải quyết công ăn việc làm cho một số người dân tại địa phương. Tuy nhiên, thời gian gần đây thị trường đầu ra tiêu thụ động vật rừng, động vật hoang dã gặp khó, chủ yếu bán cho các thương lái xuất đi từ các tỉnh bạn, còn việc sử dụng tại chỗ rất ít. Mặt khác, do giá thị trường biến động từ đó việc gây nuôi sinh sản, sinh trưởng đối với một số loài chưa mang tính ổn định nên các cơ sở và hộ gia đình ngại đầu tư, chủ yếu là nuôi nhỏ, ở phạm vi hộ gia đình. Ngoài ra theo quy định đối với mô hình trại nuôi sinh trưởng, sinh sản các loài động vật hoang dã từ 50 cá thể trở lên phải làm đề án bảo vệ môi trường, đây là một trong những vấn đề khó khăn đối với hộ có nhu cầu thực hiện mô hình.  Để quản lý chặt chẽ việc gây nuôi cùng với khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân mở rộng quy mô chăn nuôi; thời gian tới, Chi cục Kiểm lâm tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo phòng chuyên môn, hạt kiểm lâm các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với UBND các địa phương có hoạt động gây nuôi động vật rừng, động vật hoang dã tổ chức kiểm tra, xác minh điều kiện nuôi sinh sản, sinh trưởng; cấp phát sổ theo dõi nhập, xuất cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình gây nuôi nhằm theo dõi, giám sát chặt chẽ sự tăng, giảm số lượng trong quá trình nuôi. Ngoài việc kiểm tra định kỳ, Chi cục Kiểm lâm cũng sẽ thường xuyên tổ chức các đợt thanh tra liên ngành, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

    Không thể phủ nhận việc gây nuôi động vật rừng đã mang lại lợi nhuận kinh tế không hề nhỏ. Tuy nhiên, cùng với những nỗ lực của các cơ quan chuyên môn, các cơ sở, cá nhân gây nuôi cần tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật. Chung tay phát triển các mô hình gây nuôi động vật rừng một cách an toàn, bền vững.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 36
  • Hôm nay: 8035
  • Trong tuần: 78,742
  • Tất cả: 11,802,062